Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

[Giải phẫu] Ống dẫn tinh - Vas deferens

Cấu trúc đại thể

Ống dẫn tinh (the vas deferens - ductus deferens), tiếp nối cực xa của đuôi mào tinh, có hình ống và phát triển từ ống trung thận (wolffan) trong thời kỳ bào thai. Ống dẫn tinh uốn khúc 2 tới 3cm khi nó rời khỏi mào tinh (ống dẫn tinh xoắn - convoluted vas deferens). Từ đuôi mào tinh đến kết thúc tại ống phóng tinh, ống dẫn tinh dài khoảng 30 tới 35cm. 
Ống dẫn tinh đi dọc sau thừng tinh (spermatic cord), phía sau các mạch máu. Ống dẫn tinh đi qua ống bẹn (inguinal canal) và đi vào khung chậu bên (pelvis lateral) để đến mạch thượng vị (epigatric vessels). Khi vào khung chậu, sau khi đi qua lỗ bẹn trong (internal inguinal ring), ống dẫn tinh tách ra khỏi mạch tinh hoàn (testicular vessels). Ống dẫn tinh cuối cùng đến đáy sau (posterior base) của tuyến tiền liệt sau khi đi qua giữa tới thành của khung chậu. Ống dẫn tinh được chia thành 5 khu vực khác nhau. Đầu tiên là đoạn mào tinh (epididymal segment) trong lớp tinh mạc (tunica vaginalis) - không có vỏ bọc. Thứ hai là đoạn trong bìu, đoạn thứ ba trong ống bẹn, thứ tư là đoạn sau phúc mạc và đoạn thứ năm là bóng (ampulla) của ống dẫn tinh (Lich et al,1978). Lòng của ống dẫn tinh trong khoảng 0.2 tới 0.7mm đường kính, tùy thuộc các đoạn. Đường kính ngoài của ống dẫn tinh trong khoảng 1.5 tới 2.7mm (Middleton et al, 2009).

Mô học vi thể

Một lớp vỏ ngoài bằng mô liên kết bao xung quanh ống dẫn tinh có chứa mạch máu và thần kinh nhỏ. Trong lớp mô liên kết này, các tế bào cơ trơn tạo thành thành dầy của ống dẫn tinh. Các tế bào cơ trơn được tổ chức như một lớp bên trong và ngoài theo chiều dọc, một lớp cơ tròn ở giữa, và môt lớp biểu mô dạng giả tầng (pseudostratifed columnar epithelial) với niêm mạc của nó gồm lông mao không chuyển động (nonmotile stereocilia) như lớp lót trong (Neaves, 1975; Paniagua et al, 1981). Chiều cao lớp tế bào biểu mô giảm dần suốt chiều dài của ống dẫn tinh từ tinh hoàn tới túi tinh (seminal vesicle).

Có ba loại tế bào trụ cao gầy, cũng như tế bào đáy (basal cells), bao gồm biểu mô giả tầng của ống dẫn tinh (Hoffer, 1976; Paniagua et al, 1981). Tế bào chính (principal cells), tế bào hình bút chì (pencil cells) và tế bào giàu ty lạp thể (mitochondria-rich cells) bao gồm các tế bào hình cột (culumnar cells) mở rộng từ nền biểu mô tới lòng ống. Các tế bào hình cột có hình dạng hạt nhân cuộn bất thường và có lông. Tại đầu gần của ống dẫn tinh, tế bào chính chiếm ưu thế. Đi về cuối ống dẫn tinh, nhiều tế bào hình bút chì và tế bào giàu ty thể có mặt. Lớp cơ của ống dẫn tinh giảm dần từ đầu gần đến đầu xa.

Động mạch cấp máu

Động mạch bàng quang trên tách ra nhánh động mạch ống dẫn tinh, cấp máu cho ống dẫn tinh (Sjostrand, 1965).

Dẫn lưu tĩnh mạch

Đoạn ống dẫn tinh bìu dẫn lưu qua tĩnh mạch ống dẫn tinh, chảy vào đám rối hình dây leo (pampiniform plexus). Ống dẫn tinh đoạn chậu dẫn máu vào đám rối chậu.

Dẫn lưu bạch mạch

Bạch mạch từ ống dẫn tinh đi đến hạch chậu ngoài và chậu trong.

Thần kinh

Ống dẫn tinh nhận phân bố thần kinh giao cảm và đối giao cảm (Sjostrand, 1965). Các dây giao cảm adrenergic đi thông qua thần kinh trước xương cùng (presacral nerve) từ thần kinh hạ vị (hyogastric nerve) (Batra and Lardner, 1976; McConnell et al, 1982). Cả ba lớp của ống dẫn tinh chứa các sợi adrenergic, nhưng mật độ lớn nhất của các sợi thần kinh tìm thấy ở lớp ngoài theo chiều dọc (McConnell et al, 1982). Các dạng khác của dẫn truyền thần kinh được xác đinh trong tế bào thần kinh như somatostatin, galanin, enkephalin, neuropeptide Y, peptide vận mạch ruột (vasoactive peptide) và nitric oxide. Chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh trong ống dẫn tinh vẫn chưa được hiểu biết rõ (Dixon et al, 1998).

Chụp ống dẫn tinh (Vasogram)
Hình ảnh một phim Vasogram
1. ống dẫn tinh 2. túi tinh 3. niệu đạo tiền liệt tuyến 4. cản quang thoát.
Chụp ống dẫn tinh trước đây được coi là xét nghiệm X quang lựa chọn để đánh giá tiền liệt tuyến, ống phóng tinh và túi tinh ở nam giới vô sinh. Chụp vasogram đã được thay thế bằng siêu âm qua đầu dò trực tràng (transrectal ultrasonography) trong phần lớn trường hợp, và vasogram chỉ dùng kết hợp trong phẫu thuật phục hồi (reconstructive surgery) (Honig, 1994). 

Tóm tắt
  1. Đường kính trong của ống dẫn tinh là 0,2 - 0.7mm, phụ thuộc phân đoạn.
  2. Động mạch bàng quang trên chia nhánh động mạch ống dẫn tinh.
  3. Chụp ống dẫn tinh chỉ dùng phối hợp với phẫu thuật phục hồi.
Cambell 2016 - dịch 11.2.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét